Ở Nhật Bản tuyệt đối không làm những việc sau! - Công ty Hoàng Long CMS - Nơi gửi trọn niềm tin

096 224 1616

Ở Nhật Bản tuyệt đối không làm những việc sau!

Đừng ngạc nhiên nếu người Nhật cảm thấy ngỡ ngàng hay không vui nếu bạn làm những điều sau đây. Tìm hiểu ngay để “nhập gia tùy tục” nhé!

Không cắt móng tay vào buổi tối

Vào một buổi tối, chẳng cần biết là có mát trời hay không, bạn cảm thấy móng tay mình đã quá dài và muốn “xử lý” chúng. Nếu bạn đang ở Việt Nam thì xin mời, nhưng nếu đang ở Nhật và đặc biệt là nếu đang sống chung với một gia đình Nhật thì xin đừng.


Cắt móng tay vào buổi tối là việc kiêng kị ở Nhật. Ảnh: Livejapan

Có 2 lý do mà người Nhật rất kiêng kị việc cắt móng tay vào buổi tối. Thứ nhất, từ “móng tay buổi tối” trong tiếng Nhật sẽ phát âm là 夜爪 (yo-tsume). Từ này đồng âm với từ世詰 (yo-tsume) có nghĩa là “rút ngắn tuổi thọ”. Vì thế việc cắt móng tay vào buổi tối làm người ta liên tưởng tới việc “chết sớm”.

Thứ 2 là vào thời kỳ Edo, người ta cho rằng “Móng tay móng chân là một phần của cơ thể do cha mẹ truyền lại nên nếu cắt móng trong lúc tối trời thì sẽ không được nhìn thấy lúc cha mẹ qua đời” và việc này được coi như hành động bất hiếu. Cách suy nghĩ này được truyền tới tận bây giờ.

Lý do của cách suy nghĩ này có thể là do vào thời Edo (1603-1868), người Nhật cắt móng tay bằng… dao găm. Mà thời đó thì đã làm gì có điện, nên khi mặt trời khuất núi là nhà cửa tối mù tối mịt. Cắt móng tay vào buổi tối bằng dao, trong điều kiện không có ánh sáng khác nào tự sát. Vì vậy cha mẹ muốn tránh không để xảy ra nguy hiểm nên mới dùng cách nói “chết sớm” hoặc “không được nhìn thấy lúc cha mẹ qua đời” để răn con cái chăng.

Không được làm gãy lược


Người Nhật rất quý trọng chiếc lược của họ. Ảnh: Nomakenolife

Làm vỡ gương ở Việt Nam được coi là điềm xấu, còn ở Nhật thì vai trò tạo ra điềm xấu của chiếc gương được chuyển sang cái lược. Người Nhật sẽ rất sợ hãi khi chẳng may làm gãy những chiếc răng lược. Tại sao?

Điều này liên quan tới một câu chuyện thần thoại về thủy thần Izanagi. Trong quá trình bị kẻ thù truy đuổi, thủy thần Izanagi đã ném chiếc lược làm bằng tre xuống đất và những chiếc răng lược mọc lên thành một rừng măng tre. Tận dụng lúc kẻ thù mải ăn những búp măng ấy, Izanagi đã kịp chạy trốn. Câu chuyện này truyền miệng qua nhiều đời, lâu dần khiến người ta tin rằng chiếc lược là vật cứu mạng.

Ngoài ra còn một lý do khác là ngày xưa chiếc lược được coi là vật quý giá. Những cô con gái đi lấy chồng thường được mẹ tặng lược coi như kỷ vật. Vì giá trị của nó mà người Nhật rất quý trọng chiếc lược của mình.

Phải tắm sạch trước khi ngâm bồn

Các gia đình Việt Nam ít có thói quen sử dụng bồn tắm. Nhưng ở Nhật, bạn sẽ thấy sự xuất hiện của bồn tắm ở bất kỳ đâu, từ hộ gia đình cho tới phòng khách sạn.

Tôi đã gặp nhiều bạn Việt Nam vào tắm bồn ngay sau khi xả đầy nước nóng. Nhưng đây là cách sử dụng bồn tắm sai hoàn toàn trong mắt người Nhật. Điều này có thể khiến họ cảm thấy khó chịu.

Thường thì nhà tắm ở các căn hộ truyền thống của Nhật sẽ có cấu trúc thế này: một chiếc ghế nhựa thấp đặt cạnh vòi hoa sen để bạn tắm thật sạch sẽ. Sau khi cơ thể đã được gột rửa bạn mới bước vào bồn tắm để thư giãn. Người Nhật rất chú trọng vệ sinh bồn tắm của họ nên đừng sử dụng sai mục đích của nó nhé.


Phòng tắm trong một căn hộ truyền thống ở Nhật

Không trộn thức ăn và nước xốt với cơm

Đối với thế hệ 8x Việt Nam trở về trước, khi ăn những món ăn đi kèm nước xốt (thịt kho tàu, thịt/cá xốt cà chua…), chúng ta thường có thói quen chan nước xốt vào cơm rồi trộn thức ăn, nước xốt với cơm và bắt đầu thưởng thức. Thật ra cá nhân tôi cho rằng cách ăn này rất ngon.

Tuy nhiên, trong lần mời một gia đình Nhật tới nhà dùng bữa, họ rất ngạc nhiên khi tôi làm vậy. Phải rất thân thì người bạn Nhật mới nói với tôi rằng, người Nhật coi việc trộn lẫn như vậy là… bẩn.


Người Nhật sẽ chấm cơm vào nước xốt chứ không tưới nước xốt vào cơm

Người Nhật có một số món ăn Donburi – các món trộn cơm với thức ăn và nước xốt như cơm bò (Gyudon), cơm gà trứng (Oyakodon), hay cơm hải sản (Kaisen don). Tuy nhiên, với những món ăn mặn vốn được dọn riêng, người Nhật sẽ gắp từng món vào bát và ăn riêng chứ không trộn lẫn vào nhau. Khi ăn cơm ở Nhật, đừng biến bát cơm của mình thành một “khối thống nhất” giữa cơm và nước xốt bạn nhé.

Đừng tự rót rượu cho bản thân

Ở Việt Nam có một kiểu nhậu mỗi ông ôm một chai rồi tự rót cho bản thân. Chuyện quá ư là bình thường. Nhưng ở Nhật, bạn sẽ bị coi là… bất lịch sự nếu tự rót rượu cho bản thân mình. Nghe kì quặc lắm đúng không, nhưng đây là văn hóa Nhật.

Văn hóa “chuốc rượu” của Nhật Bản như sau: Hãy để cho người khác rót cho mình, uống một ngụm xong thì đáp lễ bằng cách rót lại cho họ. Nếu bạn đang ở trong một bàn tiệc, đừng uống ly của mình cho đến khi tất cả các thành viên khác trong bàn đều có ly trước mặt. Khi ăn kiểu mỗi người được dọn một bàn riêng cũng vậy. Đợi khi tất cả mọi người đều có phần rồi thì ta hay bắt đầu ăn nhé!

Khi có ai đó rót cho bạn, hãy đảm bảo là ly của bạn hoàn toàn cạn sạch. Nếu tửu lượng của bạn hơi yếu, hãy để ly của mình luôn đầy. Người Nhật sẽ không ép bạn uống trong đa số tình huống (tất nhiên có trường hợp ngoại lệ). Khi tham dự một bữa tiệc của công ty thì người trẻ nhất sẽ đảm trách nhiệm vụ gọi đồ uống và rót cho những đàn anh, đàn chị của mình.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng nên dùng 2 tay để cầm chai hoặc bình rượu để rót hoặc cầm cốc để đón nhận rượu do người khác rót cho mình. Đó là lịch sự tối thiểu thôi mà.

Xin đừng vừa đi vừa ăn

Trong rất nhiều bộ phim phương tây, bạn dễ dàng bắt gặp hình ảnh một người đàn ông trong bộ suit chỉnh tề, mua chiếc hamburger và vội vàng vừa bước đi vừa “kết liễu” chiếc bánh đó trong một nốt nhạc. Hình ảnh đại diện cho nhịp sống hối hả, công nghiệp, nhìn có vẻ rất “ngầu” đối với nhiều bạn trẻ Việt Nam.

Nhưng ở Nhật Bản – một quốc gia cũng có nhịp sống hối hả không kém – thì hành động vừa đi vừa nhai nhồm nhoàm một thứ gì đó sẽ chịu rất nhiều ánh nhìn ái ngại của người địa phương.


©Báo Mainichi

Có rất nhiều người thắc mắc: Tại sao người Nhật lại kỵ chuyện vừa đi vừa ăn? Chúng ta có bị phạt nếu vi phạm hay không? Xin khẳng định là sẽ không ai phạt bạn cả nhưng tuyệt đối nên tránh.

Ngay từ khi còn là những đứa trẻ, người Nhật đã được dạy phải tôn trọng thức ăn. Ăn tại bàn, chắp tay nói “Itadakimasu” (có nghĩa là: xin phép ăn) trước khi vào bữa, ăn uống từ tốn, thanh cao. Cùng với thời gian, người Nhật cho rằng thức ăn ăn tại bàn là để thể hiện sự tôn trọng đối với thức ăn và dành cho công sức người đã làm ra các loại nông sản phẩm đó.


©PhotoAC©irumam

Việc vừa đi vừa ăn trông như thể bạn đang hoàn tất bữa ăn của mình một cách tạm bợ – điều đối với người Nhật là thiếu lễ nghịa và bất lịch sự. Ngoài ra vừa đi vừa ăn như thế bạn có thể làm rơi vãi thức ăn ra đường hoặc tiện tay vứt túi bọc xuống đường. Như thế là xả rác còn gì.

Ngậm đũa khi ăn

Bạn đang ăn cơm thì chợt nhận được một tin nhắn. Thay vì đặt đôi đũa xuống bàn, bạn ngậm đầu đũa để rảnh tay trả lời tin nhắn kia rồi lại tiếp tục bữa ăn. Ở Việt Nam, thật ra trông nó cũng hơi phản cảm nhưng chẳng ai ý kiến gì đâu. Nhưng ở Nhật, xin đừng, một nghìn lần xin đừng.

Hành động này đối với người Nhật là vô cùng bất lịch sự và mất vệ sinh. Hành động ngậm đũa ở Nhật gọi là kuwae bashi. Bạn thấy đấy, người Nhật đã có hẳn một từ để miêu tả cho việc ngậm đũa chứng tỏ họ ghét điều đó lắm. Vậy nên nếu có muốn rảnh tay làm gì đó, hãy đặt đôi đũa của mình xuống cái gác đũa rất cute đi kèm nhé.

Chụp ảnh người lạ

Ở Việt Nam vài năm gần đây rất thịnh hành trào lưu “xin info gái xinh/trai đẹp”. Đại loại là bạn bắt gặp một cô gái xinh đẹp trên đường, bạn chụp lén cô ấy rồi đăng lên Facebook tìm thêm thông tin.

Đừng làm điều đó ở Nhật nhé. Bạn có thể phải lên đồn công an ngồi uống chè đấy.

Người Nhật coi trọng sự riêng tư. Họ có quyền kiện bạn nếu chẳng may xuất hiện trong một tấm ảnh trời ơi đất hỡi nào đó. Ai biết được bạn dùng bức ảnh đó với mục đích gì.

Vậy nên trước khi định chụp một ai đó: Một cosplayer, một cô gái xinh đẹp, một võ sĩ…tốt nhất là hãy xin phép bằng câu “shashin wo totte mo ii desu ka” (Tôi có thể chụp ảnh không). Nếu họ từ chối thì đừng cố đấm ăn xôi nhé. Phiền phức to lắm đấy.

Nguồn: Kokoro-vj.org/

✿ ĐỂ TRÁNH MẤT THÊM PHÍ TRƯỚC KHI CHƯA TRÚNG TUYỂN TẠI HOÀNG LONG CMS:

➡️➡️ 1. GỌI NGAY HOT-LINE 096 224 1616 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ!

➡️➡️ 2. SOẠN TIN NHẮN THEO CÚ PHÁP <TV> GỬI –> 096 224 1616 CÁN BỘ TRỰC TIẾP CỦA CÔNG TY SẼ GỌI LẠI TƯ VẤN NGAY CHO BẠN!

—————————–

🏠 THÔNG TIN LIÊN HỆ HOÀNG LONG CMS:

📞 Hot-line: 096 224 1616 hoặc nhắn tin HOÀNG LONG CMS (24/7)

🏠 72 – 74 Tân Xuân, Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội

🌐 Fanpage: Hoàng Long CMS – Xuất khẩu lao động Nhật Bản

🌐 Website: https://hoanglongcms.net

🌐 Youtube: https://goo.gl/HNBepB

🌐 Zalo: https://zalo.me/424376215460826306

Người lao động cần biết

Lịch xuất cảnh

Fanpage Facebook